489699791146319
Loading...

Phần lớn giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới

Lãnh đạo cơ sở giáo dục thừa nhận, lực lượng giáo viên nhìn chung về năng lực và trình độ nghề nghiệp phải đào tạo lại để đáp ứng với nhu c...

Lãnh đạo cơ sở giáo dục thừa nhận, lực lượng giáo viên nhìn chung về năng lực và trình độ nghề nghiệp phải đào tạo lại để đáp ứng với nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong thời gian tới.
Vừa qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo đáp ứng trong tình hình mới, trong đó xác định nội dung quan trọng là đội ngũ nhà giáo, đây chính là lực lượng xung kích trên mặt trận đổi mới, là người đi đầu quyết định tới chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, thực tế với đội ngũ nhà giáo hiện nay cả về năng lực và trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Chúng ta không thể bỏ 2 triệu thầy cô giáo hiện nay sang bên cạnh để đưa 2 triệu thầy cô giáo mới được đào tạo vào, chúng ta phải đổi mới từ đội ngũ hiện nay của chúng ta, việc đó sẽ được triển khai đào tạo lại”.

Xác định giáo viên là then chốt

Qua trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về lực lượng được xem là tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục kì này, một số lãnh đạo cơ sở giáo dục nhận định, nòng cốt vẫn là nhà giáo. Nhà giáo quyết định tới chất lượng của giáo dục, và dù chương trình có hay, sách có hay đi bao nhiêu thì lực lượng này vẫn tỏ rõ vai trò chủ yếu của mình.
 Đội ngũ nhà giáo được xem là khâu then chốt để quyết định đổi mới giáo dục thành công. Ảnh minh họa


Nhà giáo Nguyễn Đình Thắng, hiệu trưởng Trường THPT Ba Vì (H.Ba Vì, Hà Nội) cho biết, mặc dù các nhà giáo ở cơ sở đã qua trường lớp sư phạm nhưng năng lực để đáp ứng với nhu cầu đổi mới thì việc đào tạo lại là cần thiết. Đó là việc bồi dưỡng thêm những phương pháp mới để không bị “ngợp” với sự đổi mới của chương trình và nội dung.

Nhà giáo Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Q. Hai Bà Trưng - Hà Nội) cũng thừa nhận, việc quyết định chất lượng giáo dục trong mỗi cơ sở giáo dục chính là đội ngũ giáo viên, sau đó là cán bộ quản lí và chương trình SGK, cách đánh giá, và ông khẳng định lại quyết định vẫn là đội ngũ giáo viên.

Cũng theo thầy Nguyễn Quốc Bình, trong Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục có rất nhiều nội dung đề ra như đổi mới chương trình SGK, kiểm tra đánh giá, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí. Nhưng khâu giáo viên là khâu then chốt, để làm được như mục tiêu đề ra thì trước mắt cần quan tâm tới đội ngũ này, với đội ngũ hiện nay rõ ràng với chương trình mới, SGK mới, chương trình tích hợp cấp dưới và chuyên sâu khi lên cao, vậy để đáp ứng được chương trình này phải có đội ngũ tốt.

“Tôi cũng phải nói thật với đội ngũ của chúng ta bây giờ cũng một bộ phận chưa đáp ứng được, Bộ GD phải đầu tư cho đội ngũ, trước hết là đội ngũ hiện có để tiếp tục bồi dưỡng, tiếp cận dần nội dung và chương trình mới. Còn về lâu dài tôi nghĩ đổi mới phải đồng bộ, không chỉ có THPT mà nguồn đào tạo giáo viên của các trường ĐH Sư phạm, các khoa Sư phạm các trường ĐH cũng phải thay đổi phương pháp đào tạo, nội dung đào tạo để làm sao đáp ứng được, còn không chúng ta lại bị hụt như những lần trước”, vị hiệu trưởng này nêu quan điểm.

Nhà giáo Nguyễn Quốc Bình cũng cảnh báo, nếu không chuẩn bị tốt cho đội ngũ nhà giáo để bước vào đổi mới thì khó chuyển biến. Hiện nay đội ngũ nhà giáo đang thể hiện rõ điều đó, tức là giáo viên được đào tạo ra không đáp ứng được hoặc chỉ đáp ứng được một phần của đổi mới.

“Tôi nghĩ cũng phải có sự thay đổi đồng bộ. Tuy nhiên tôi lo lắng hiện có nhiều trường ĐH đào tạo sư phạm mà rõ ràng chất lượng không cao, thứ hai nguồn vào học sư phạm chất lượng cũng không được tốt, ngay cả những sinh viên nam rất ít chọn sư phạm, vậy có nhiều vấn đề về đội ngũ, và Bộ GD phải có chính sách, các hoạch định về đội ngũ trong tương lai”, nhà giáo Nguyễn Quốc Bình thẳng thắn đề nghị.

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục. Người thầy phải thực sự thay đổi, dù chương trình sách giáo khoa có thể kém nhưng ông thầy giỏi vẫn có thể xử lí được.

“Không ai thay thế ông thầy được, nói thực sự thay đổi là chúng ta muốn đồng bộ người thầy giỏi chứ không chỉ khoe một vài người giỏi là xong, cũng như hiện nay chúng ta cần một nền giáo dục chứ không phải cần vài em đi thi quốc tế. Chúng ta phải có một nền giáo dục để đảm bảo cho con người đi vào cuộc sống”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Lo ngại đội ngũ nhà giáo kém chất lượng

Trong lần trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gần đây, PGS. TS Trần Kiều - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định, nếu không làm thay đổi được nhận thức của thầy giáo trong lần đổi mới lần này thì rất khó để đổi mới, đó là “sức ì” trong tư duy, mặc dù biết là cần phải đổi mới nhưng nhìn chung là ngại đổi mới cách nghĩ, cách làm.
Chính vì thế tâm thế của hơn 1 triệu nhà giáo trong cả nước phải xác định được trách nhiệm lớn lao của mình trong kỳ đổi mới lần này, và điều quan trọng là đặt mình là người trong cuộc đối với nền giáo dục nước nhà.

Trò chuyện với PV, nhà giáo Nguyễn Đình Thắng một lần nữa lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay, ông cho biết mặc dù rất đặt kỳ vọng và ủng hộ lần đổi mới này nhưng còn băn khoăn về đội ngũ nhà giáo: “Đổi mới giáo dục chúng tôi rất ủng hộ vì thực tế ở cơ sở chúng tôi thấy nhiều giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu, nên bồi dưỡng thêm cho nhà giáo cả về định hướng, tư tưởng, nếu Bộ GD làm được điều đó thì quá tốt”.

Đối với trường THPT Việt Đức, nhà giáo Nguyễn Quốc Bình - hiệu trưởng nhà trường cũng đồng quan điểm khi cho rằng, để đáp ứng với công cuộc đổi mới giáo dục, đặc biệt thực hiện Đề án đổi mới thì còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là nâng cào chất lượng đội ngũ, cả giáo viên và đội ngũ quản lí, phải nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, kĩ năng, phương pháp giảng dạy…

“Nếu đội ngũ như hiện nay thì việc đáp ứng sẽ khó và ở mức độ thôi. Trường THPT Việt Đức một vài năm nay đã tham gia vào các dự án, đề án đổi mới, chúng tôi luôn luôn sẵn sàng và đón nhận nội dung đổi mới. Tuy nhiên, rõ ràng chúng tôi chỉ đang khởi động, nhưng khởi động này cũng phải có động lực nhất định mới đạt được như tiền lương của giáo viên, cơ chế quản lí như thế nào để vừa có động lực bên trong và tác động từ bên ngoài vào để thúc đầy sự phát triển của đội ngũ giáo viên” nhà giáo Nguyễn Quốc Bình kiến nghị.

Công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục lần này đòi hỏi sự chung sức rất lớn từ đội ngũ người thầy và toàn xã hội. Tuy nhiên, với “sức ì” của nhà giáo như hiện nay thì nhiều ý kiến lo ngại khó lòng để thay đổi. Chia sẻ về ý kiến này, nhà giáo Nguyễn Quốc Bình thừa nhận, thực tế người giáo viên hầu như năm nào cũng lặp lại những bài giảng cũ của mình, tạo thành lối mòn, với những người không có tình yêu nghề nghiệp, không có khát vọng thay đổi, không muốn thay đổi và với cách đánh giá của chúng ta như hiện nay (cứ 3 năm lên lương, năm nào, trường nào cũng có giáo viên đạt danh hiệu tiên tiến) thì khó tạo ra một động lực để thay đổi.

“Mặc dù ở cơ sở qua các năm có sự thay đổi nhưng tôi nghĩ rất chậm và ít, từ thực tế đó ai cũng nhìn thấy, tôi cũng nhìn thấy, có giáo viên có khát vọng thay đổi nhưng không nhiều lắm, còn hầu hết là chỉ dạy để hoàn thành công việc của mình. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng để tiếp nhận nội dung đổi mới vì đối với tôi là người quản lí cơ sở luôn luôn có khát vọng đổi mới thay đổi theo từng ngày và từng học kì” hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết.
 
Việc đánh giá ông thầy không chỉ ở đạo đức mà ông thầy phải có tay nghề. Chúng ta phải tạo ra những thế hệ nhà giáo có tay nghề làm việc hết sức chuyên nghiệp, đủ năng lực đáp ứng đổi mới giáo dục chứ không phải là một thế hệ những ông thầy “ngoan ngoãn” mà không thay đổi được học trò.

Quan điểm của tôi là phải bồi dưỡng lại 100% đội ngũ về mặt tay nghề, cách bồi dưỡng cũng phải thay đổi, dùng người giỏi để bồi dưỡng, không phải chỉ bồi dưỡng lí thuyết. Hiện nay chúng ta bồi dưỡng giáo viên vẫn là bồi dưỡng lí thuyết chứ không phải tay nghề, nói là đổi mới thì phải dạy cho người ta tay nghề, xem là có làm được với chương trình đó không.

TS. Nguyễn Tùng Lâm

Giáo dục 3648930504043742546

Đăng nhận xét

Trang chủ item